Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Câu chuyện về loài cá Halfmoon

Câu chuyện về cá halfmoon
Theo lời kể của Rajiv Masillamoni
“Ngài G.” vĩ đại. Ảnh này được Rajiv luôn mang theo bên mình để so sánh xem có con betta nào đẹp bằng nó không (ảnh Peter Goettner).
Vào năm 1982, nhà lai tạo người Mỹ Peter Goettner lai tạo được một con cá tiến xa so với thời đại của nó. Đó là một con cá betta xanh lục đuôi đơn với góc đuôi xoè gần đạt 180 độ và nó được cộng đồng nuôi cá betta hâm mộ đặt cho biệt danh là “Ngài vĩ đại”. Goettner tiết lộ rằng ông mua cá giống mà từ đó tạo ra “Ngài vĩ đại” (sau này được gọi là “Ngài G.”) từ một nhà lai tạo người Mỹ khác, Parris Jones, người đã cải tạo dòng cá của mình từ cá giống của một nhà lai tạo người Mỹ khác nữa, Chuck Hale, vào năm 1977. Khoảng từ năm 1983 đến năm 1986, một nhóm các nhà lai tạo người Pháp trong đó có Guy Delaval đã nhập khẩu cá giống từ những nhà lai tạo danh tiếng ở Mỹ như Goettner và Jones.
Delaval vốn đã là một nhà lai tạo cá bảy màu thành đạt và nhiều năm trước đó ông đã quyết định nhảy vào lãnh vực cá betta. Ông khởi sự với con giống bình thường, cải tạo chất lượng của dòng cá bằng phương pháp lai tuyển chọn những con cá tốt nhất theo một phương pháp đặc biệt: anh chị em với nhau, và rồi cha với con gái trong hàng loạt thế hệ. Dấu hiệu đặc trưng ở dòng cá của Delaval đó là nhiều con có viền vây trong suốt, một đặc điểm mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy ở nhiều con halfmoon. Khi chất lượng dòng cá của Delaval tăng lên, ông nhận ra rằng ông đang sở hữu những con cá đặc biệt và lao động cật lực để hoàn thiện “ý tưởng” của mình. Với chỉ bốn hồ và hai mươi lọ, Delaval chăm chỉ lai tạo và chọn lọc, ông chỉ giữ lại những con cá tốt nhất để phát triển dòng cá.
Vào năm 1987, Delaval trưng bày cá của mình tại triển lãm cá ở Lyon, Pháp. Mặc dù những con halfmoon đầu tiên (như sau này chúng được gọi như vậy) có độ cân đối và hình dạng đáng kinh ngạc, chúng lại không thu hút sự chú ý của các trọng tài trong triển lãm, chủ yếu là vì họ đã quen mắt với những dạng cá nhất định và không muốn thay đổi quan niệm về cá betta “lý tưởng”. Vào thời đó, những con cá betta đoạt giải là cá đuôi quạt và cá đuôi kép, và cá của Delaval trông quá khác biệt so với những gì mà mọi người thường thấy. Sau triển lãm, vị chủ tịch của Hiệp hội Họ cá Rô Đức (Anabantoid Association of Germany) viết một bản tóm tắt về triển lãm với mục đích biểu dương những người tham gia và đoạt giải. Về những con cá không đoạt giải của Delaval, ông chỉ nói rằng chúng trông “dễ thương”.
Sau đó vào năm 1988, Delaval trưng bày cá của ông tại triển lãm ở LeMann, Pháp. Mặc dù một lần nữa cá của ông lại không được ngó ngàng tới, nhưng ít nhất có một nhà lai tạo đồng nghiệp bị “sét đánh” bởi những gì mà Delaval đã tạo ra: Rajiv Masillamoni. Masillamoni có thói quen luôn mang theo bên mình ảnh của “Ngài G.” mà ông đưa cho mọi người xem trong bất kỳ hội nghị nào liên quan tới cá betta mà ông tham dự, hâm mộ về hình dạng hoàn hảo của nó, ông hỏi có thể mua cá có chất lượng tương tự ở đâu. Khỏi cần phải nói, khi ông vừa nhìn thấy những con cá dự thi của Delaval mà chúng xoè vây rộng và cân đối hơn những gì mà ông dám mơ ước, tấm hình của “Ngài G” liền vuột khỏi những ngón tay của ông. Ngay lập tức ông truy vấn Delaval về nguồn gốc cá và mua hai trong số ba con cá đực đuôi xoè 180 độ mà Delaval đem tới dự thi ở triển lãm cũng như năm con cá đực khác và hai con cá mái cùng dòng. Masillamoni phấn khởi đem tài sản của mình về Thuỵ Sĩ, nơi ông bắt đầu lai tạo chúng một cách say mê. Ông bị sốc và kinh hoàng khi nhận ra rằng cả bảy con cá đực mà ông mua từ Delaval đều không có khả năng sinh sản. Mặc dù chúng vẫn làm tổ và ve vãn cá cái nhưng dường như chúng không có khả năng cuộn lấy cá cái và chăm sóc trứng. Vấn đề dường như không ở hình dạng của chúng mà vì chúng bị lai cận huyết quá nhiều, điều này được khẳng định khi Masillamoni tham khảo ý kiến của hai nhà lai tạo khác cũng mua cá từ Delaval – Laurent Chenot và Marc Maurin – những người cũng gặp vấn đề tương tự. Chỉ còn cách hy vọng vào những con cá mái, Masillamoni lai chúng lần nữa với cá betta cảnh bình thường và kết quả thu được khác xa về hình dạng và độ cân xứng so với cá gốc của Delaval. Khi một trong hai con cá mái không may bị chết thì dường như mọi thử nghiệm sắp sửa phải kết thúc. Tuy nhiên, vận may đã mỉm cười với Masillamoni và dự án của ông, ông được giới thiệu với một thành viên của IBC, người đi du lịch ở Thuỵ Sĩ và tặng ông một con đuôi kép melano đực từ dòng cá của Parris Jones. Masillamoni lai con cá đực này với con cá mái còn lại của Delaval và được tưởng thưởng bởi một con cá vượt xa so với những con cùng bầy. Con cá được đánh số “R39” và là một con cá đực màu xanh lục với vây đuôi xoè đủ 180 độ một cách hoàn hảo.
R39 – ông tổ của dòng cá halfmoon.
Phiêu lưu cùng dòng cá mới, Masillamoni lai con cá đực với tất cả cá mái mà ông có và sau đó lập nhóm với các nhà lai tạo Laurent Chenot và Jean Luc Corso, những người cũng lai nó với cá mái của họ. Cá con thu được từ những bầy lai này tiến đến rất gần với dòng cá halfmoon thực sự đầu tiên, và có lý do để khẳng định rằng tất cả cá halfmoon ngày nay đều là con cháu của một ông tổ duy nhất – R39.
Vào năm 1991, Masillamoni đem cá betta đuôi 180 độ của ông đến Triển Lãm Thường Niên lần thứ 25 của IBC tổ chức ở Milwaukee, bang Wisconsin. Ông rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, một lần nữa, các trọng tài hoàn toàn không để ý tới cá của ông so với sự thú vị mà họ dành cho các loại cá đuôi kép và đuôi quạt. Tuy nhiên, những con cá dự thi đến từ châu Âu không thoát khỏi sự chú ý của hàng loạt các nhà lai tạo hàng đầu vào thời đó gồm Jeff Wilson, Peter Goettner, Parris Jones, Paul Hardy và John Benn, những người đã mua một số cá của Masillamoni để đem về lai với dòng cá của riêng họ. Cũng tại triển lãm này Jeff Wilson lần đầu tiên nói đùa rằng dạng đuôi mới trông giống như hình bán nguyệt (halfmoon) và từ đó cái tên “halfmoon” ra đời.
Phấn khởi bởi sự đồng cảm về sở thích, Masillamoni gia nhập nhóm làm việc cùng với Wilson và Laurent Chenot để cố gắng củng cố các đặc điểm thành một dòng cá ổn định. Cả ba nhà lai tạo thường xuyên trao đổi những con cá tốt nhất với nhau, một con cá thường được lai với ba dòng khác nhau ở Mỹ, Pháp và Thuỵ Sĩ. Bằng việc lai tạo con cá tốt nhất ở cả ba nơi, họ có khả năng tạo ra những con halfmoon một cách nhanh chóng và hiệu quả, họ cẩn thận lưu tài liệu bằng cả hình ảnh và ghi chép để mỗi thế hệ mới ra đời đều có chất lượng tốt hơn thế hệ trước đó.
Vào năm 1992, Masillamoni và Wilson quyết định trưng bày những con cá halfmoon tốt nhất của họ tại triển lãm của IBC tại bang Alabama, âm thầm quy ước với nhau rằng nếu họ bị thất bại trong cuộc thi, họ sẽ vẫn tiếp tục lai tạo dòng cá này. Mặc dù họ đem rất nhiều cá halfmoon đi dự thi nhưng chỉ một con cá đẹp nhất của họ – cá xanh lục đạt giải nhì ở thể loại Hình dáng và Kiểu vây Tự do. Hạng nhất thể loại này và giải Cá Đẹp Nhất (Best Of Show) được trao cho những con cá đuôi quạt thông thường.
Nhóm lai tạo vượt qua sự thất vọng nhờ sự hâm mộ gia tăng từ phía những nhà lai tạo khác. Rất nhanh chóng, sự hâm mộ đủ lớn để một câu lạc bộ betta mới có tên là International Betta Splendens Club ra đời với mục đích duy trì và phát triển dạng cá halfmoon. Trong khi lai tạo và trao đổi lẫn nhau trên bình diện quốc tế, Masillamoni gặp Marc Maurin, người hỏi mua một cặp halfmoon để bắt đầu lai tạo với dòng cá của ông ở Pháp. Vào thời điểm đó, Masillamoni chỉ có 5 con halfmoon đực đạt chất lượng để lai tạo tuy nhiên ông vẫn chọn con mà ông ít ưng ý nhất trong số đó và trao cho Maurin. Hai tuần sau, khi Masillamoni chuẩn bị tham gia vào một triển lãm cá cảnh khác ở Mỹ thì từ Pháp, Maurin gửi trả con cá đực lại cho ông, nói rằng nó không có khả năng sinh sản. Mặc dù Masillamoni không cho rằng con cá này đạt chất lượng mà ông đề ra, nhưng cuối cùng ông vẫn quyết định đem nó sang Mỹ cùng với những con cá dự thi khác, trong đó có cả bốn con siêu halfmoon cùng bầy với nó.
Khi đem hành lý đến triển lãm, Masillamoni bị ngăn cản bởi tiếp viên phục vụ trên chuyến bay, người lưu ý ông rằng cái túi chứa 25 con cá dự thi của ông quá lớn không thể bỏ vào ngăn đựng hành lý phía trên chỗ ngồi được và phải đem để trong khoang hành lý. Ông phản ứng một cách lịch sự, lưu ý với cô rằng trong túi đựng những con cá có giá trị trên đường tham dự một triển lãm quan trọng ở Mỹ và ông không muốn rời mắt khỏi nó. Khi người tiếp viên phản đối, Masillamoni (một cách cương quyết) nói với cô rằng ông sẽ không bay nếu như cá của ông không được đặt trong khoang hành khách. Với sự nhượng bộ của đôi bên, sau cùng một thỏa thuận cũng đạt được — người tiếp viên mang cá lên khoang hạng nhất nơi chúng hoàn tất chuyến bay trong ngăn đựng hành lý rộng hơn.
Khi bay được nửa đường, Masillamoni quyết định kiểm tra xem cá như thế nào nhưng khi ông yêu cầu được xem chúng ở khoang hạng nhất, ông được báo rằng sau cùng người ta đã chuyển chúng đến khoang đựng hành lý. Lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra, ông cuống cuồng kiểm tra túi đựng cá và phát hiện nó bị xì hơi. Tất cả 25 túi đều bị lủng, cá thoi thóp và nhúc nhích một cách yếu ớt trong các túi nhựa rỗng. Hoảng sợ, Masillamoni kêu ầm lên, điều này gây nên sự chú ý của tiếp viên trưởng, người hóa ra lại yêu thích cá cảnh và tham gia xử lý tình huống này. Anh cung cấp túi nhựa và yêu cầu tiếp viên đem tới một chai nước suối. Bởi vì chai nước để trong tủ lạnh nên các tiếp viên phải sưởi ấm nó bằng một máy sấy tóc cho đến khi nó đạt nhiệt độ phòng và anh cùng với Masillamoni cẩn thận thả những con betta đang đấu tranh sinh tồn vào các túi nước mới. Thật hạnh phúc, tất cả cá đều sống sót.
Là một phụ tá trọng tài, Masillamoni rất bận rộn với triển lãm nên không hề biết rằng, một lần nữa, cá halfmoon của ông không gây được sự chú ý so với cá đuôi quạt và đuôi kép. Che dấu sự thất vọng, ông tập trung vào công việc và không để ý đến điều đó nữa. Tuy nhiên, khi bình chọn cá đẹp nhất ở mỗi thể loại cho giải Cá Đẹp Nhất, ông phát hiện thấy ở vị trí hạng nhất là một con cá màu xanh lục độc đáo — một con halfmoon! Khi quan sát kỹ hơn, ông nhận ra đó là con cá bị Marc Maurin gửi trả lại, con cá vốn được xem là không đủ tiêu chuẩn để dự thi. Bằng cách nào đó, ngay cả các trọng tài cũng nhầm lẫn khi đánh giá về những con halfmoon tốt hơn, con cá này đã đứng đầu thể loại Xanh Ngọc/Xanh Lục và bây giờ lại cạnh tranh cho vị trí Cá Đẹp Nhất.
Khi những ứng viên cho giải Cá Đẹp Nhất lần lượt bị loại, Masillamoni đã cắn móng tay vì hồi hộp. Con cá halfmoon xanh lục vẫn đứng vững. Các trọng tài loại dần các ứng viên cho đến khi chỉ còn lại con halfmoon và một con cá xanh dương của Peter Goettner mà vây chỉ xoè 160 độ. Các trọng tài rõ ràng ủng hộ cá của Goettner hơn nhưng kết quả cuối cùng vẫn trong vòng tranh cãi. Sau cùng, họ mời vị trọng tài có nhiều kinh nghiệm nhất – ông Jim Williams – và tham khảo ý kiến của ông. Bởi vì đây cũng là vị trọng tài chấm cho cá của Goettner giải nhất thể loại Cá Xanh Dương nên Masillamoni cảm thấy vấn đề đã được định đoạt. Tuy nhiên, Williams quan sát cả hai con bằng đèn pin trong khoảng 10 phút rồi chuyển qua kính lúp. Cuối cùng ông tuyên bố với đám đông đang chờ đợi “Nó đây rồi!”. “Con cá xanh dương bị thiếu mất một cái vảy”. Giải Cá Đực Đẹp Nhất (Best of Show Male) trong triển lãm của IBC được trao cho con halfmoon màu xanh lục đến từ Thụy Sĩ.
Khi điều này xảy ra, một phóng viên của tạp chí FAMA cũng tham dự và phát hiện vẻ đẹp khác thường của cá halfmoon. Anh đăng hình Cá Đẹp Nhất lên trang bìa tạp chí và viết một bài về nguồn gốc cá halfmoon. Cùng với việc xuất hiện nhiều hơn, ngày càng nhiều các nhà lai tạo ở cả châu Âu và Mỹ yêu thích và cổ vũ cho dòng cá này. Peter Goettner, Sieg Illig, Leo Buss, Bonnie McKinley và những người khác bắt đầu lai tạo dạng cá có đuôi xoè 180 độ. Sự kết hợp giữa những nhà lai tạo và chất lượng cá giúp phổ biến dòng cá này và cá halfmoon nhanh chóng tràn ngập trên toàn nước Mỹ. Dù luôn yêu thích những dòng cá bản địa, các nhà lai tạo Thái cũng phải mua cá halfmoon từ các nhà lai tạo ở châu Âu và châu Mỹ vào cuối những năm 1990 và nhiều nhà lai tạo có khả năng tạo ra những con cá có chất lượng đủ tốt để “sánh vai với thế giới”. Với phương pháp lai tạo và nuôi dưỡng của mình, họ có khả năng cải thiện hình dạng và duy trì nó, và đến năm 2003 thì họ đã hoàn toàn có thể lai tạo cá có chất lượng còn tốt hơn cả ở châu Âu và Mỹ. Ngày nay, dòng cá halfmoon chiếm hết tâm trí của các nhà lai tạo, những người cố gắng tạo ra những con cá đẹp nhất khi kết hợp giữa niềm đam mê với khoa học, điều không hề thấy ở hầu hết các thú giải trí khác. Đây thực sự là dòng cá mà chúng tái định nghĩa lại các chuẩn mực về cá betta cảnh.
Tôi vô cùng biết ơn người bạn mới ở Thuỵ Sĩ, Rajiv Masillamoni, vì đã giúp đỡ tôi hoàn thành bài viết này. Cả Rajiv lẫn Markus Gutzeit đều nhiệt tình đóng góp thời gian và hình ảnh cho tôi khi được yêu cầu, kể cả gọi điện thoại từ Thuỵ Sĩ và gửi hàng loạt thư từ, hình ảnh và ghi chép. Tôi phát hiện ở Rajiv không chỉ là người cực kỳ hào hiệp mà còn rất cởi mở. Mặc dù ban đầu tôi chỉ có ý định hỏi về những vấn đề nội bộ và làm sáng tỏ về lịch sử của dòng cá halfmoon, tôi đã được tưởng thưởng bằng một câu chuyện vô cùng thú vị và mãnh liệt với đầy đủ các yếu tố quan trọng: đam mê, thích thú, trở ngại và CỰC KỲ éo le. Bởi vì toàn bộ câu chuyện không nằm trong dự án mà tôi đang thực hiện nên tôi đăng chúng ở đây. Tôi hy vọng rằng bạn cũng yêu thích nó giống như tôi vậy.
Yêu động vật ( Theo bettysplendens)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét